Kinh tế xã hội Hồng Gai

Về cơ bản thành phố Hạ Long được chia thành 2 khu chính: Khu trung tâm văn hóa, chính trị Hòn Gai và khu giải trí, du lịch Bãi Cháy ngăn cách nhau bởi vịnh Cửa Lục (hay Bến phà Bãi Cháy nay là Cầu Bãi Cháy).

Người dân ở Hòn Gai thường chia Hòn Gai thành các khu vực: Hòn Gai (khu trung tâm kinh tế, văn hoá), Cột 8 (khu trung tâm chính trị), Cột 5, Cao Xanh (Khu đông dân cư), Hà Lầm, Hà Tu, Hà Khánh (khu mỏ than). Từ thế kỷ 19 đến nay, phường Hồng Gai là trung tâm kinh tế có phố Thương mại, phố Hàng Nồi, phố Bến Đoan. Nay phường Hồng Gai chỉ còn là một phần rất nhỏ của thị xã trước kia những vẫn là nơi đặt các cơ quan đầu não của thành phố.

Tuy là phường có đồi, núi ven biển nhưng phường Hồng Gai có nhiều lợi thế đó là nằm ở vị trí trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của Thành phố. Nhân dân trên địa bàn phường đa số là cán bộ viên chức lao động thuộc ngành than, công nhân cảng.

Toàn phường có 4 trường học (trường mầm non Hồng Gai, trường tiểu học Hạ Long, trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám, trường phổ thông dân lập Văn Lang) và 01 trạm Y tế; có 132 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong đó 22 đơn vị hành chính sự nghiệp, 11 trụ sở làm việc của cơ quan trung ương còn lại là các công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, Cung văn hóa hữu nghị Việt- Nhật.

Ở đường Trần Quốc Nghiễn có đền thờ Trần Quốc Nghiễn, ngoài ra còn bốn miếu nhỏ đều bị bom Mỹ san bằng, Chùa Long TiênNhà thờ Hòn Gai nay thuộc về phường Bạch Đằng.

Hòn Gai còn là nơi sinh của nhiều nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn trong nước (với danh hiệu là nghệ sĩ vùng mỏ) như Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương..., nhiều nhà văn nổi tiếng: Đặng Thân, Dương Hướng, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến...